Thành phố sương mù Đà Lạt là vùng đất mang nhiều duyên nợ với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tại đây, nhạc sĩ đã gặp những nàng thơ nhưng đặc biệt nhất phải kể đến dịp Giáng sinh năm 1965, khi họa sĩ Đinh Cường tổ chức triển lãm tại Alliance française de Dalat, Trịnh Công Sơn và Lệ Mai đã gặp nhau. Từ đó, mở ra một hành trình mới của cặp đôi tri âm Trịnh Công Sơn – Khánh Ly đã khiến “tân nhạc Việt Nam không còn như cũ nữa”.
Những dấu ấn của nhạc sĩ tại phố núi này đã thôi thúc Trường Đại học Đà Lạt tổ chức một đêm nhạc Trịnh đặc biệt tại đây. Đại học Đà Lạt là nơi nơi gắn bó, giao lưu với nhiều thế hệ nghệ sĩ và cũng là chiếc nôi của nhiều tài năng âm nhạc xứ sương mù. Tại sao Đại học Đà Lạt chọn Tấn Sơn là ca sĩ hát chính trong đêm nhạc đặc biệt này?
Chia sẻ cảm xúc khi tham gia đêm nhạc, ca sĩ sinh năm 1968 mong rằng “Đêm du ca nhạc Trịnh” sẽ là dịp để anh cùng những trái tim yêu nhạc Trịnh cùng nhau ôn lại những câu chuyện của chàng lãng tử ở miền sương khói Đà Lạt. Lâu nay, làng nhạc có không ít giọng ca hát nhạc Trịnh hay theo một cách riêng, nhưng không nhiều người dám dành trọn sự nghiệp ca hát để thủy chung với một dòng nhạc như Tấn Sơn. Ngoài hát nhạc Trịnh, ca sĩ còn là một người có sở thích nghiên cứu sâu sắc về Trịnh Công Sơn ở cả những lĩnh vực như hội hoạ, thơ, sách hay tinh thần tôn giáo…
Trên sân khấu lộng lẫy, nơi những giai điệu Trịnh Công Sơn vang lên da diết, Tấn Sơn xuất hiện như một mảnh ghép hoàn hảo, góp phần tô điểm thêm cho bức tranh âm nhạc đầy cảm xúc. Mang theo âm hưởng du ca sâu lắng cùng giọng hát trầm ấm, đầy nội lực, Tấn Sơn đã dẫn dắt người nghe lạc bước vào thế giới nội tâm đầy thi ca và triết lý của Trịnh Công Sơn.
Đó là lý do mà MC Tùng Leo gọi Tấn Sơn là “Người đàn ông trọn hồn Trịnh”: “Sự gắn bó hơn hai thập kỷ với nhạc Trịnh đã hun đúc nên trong Tấn Sơn một tình yêu và sự thấu hiểu sâu sắc về âm nhạc của vị nhạc sĩ tài ba này.
Sự xuất hiện của Tấn Sơn trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ là một màn trình diễn âm nhạc, mà còn là một hành trình khám phá thế giới nội tâm sâu thẳm của con người, là lời nhắn nhủ về tình yêu, cuộc sống và những giá trị nhân văn cao đẹp. Với những ai yêu mến nhạc Trịnh, Tấn Sơn chính là mảnh ghép hoàn hảo, góp phần tô điểm thêm cho đêm nhạc thêm trọn vẹn và ý nghĩa”.
Hay như cảm nhận của GS.TS Thái Kim Lan khi nghe Tấn Sơn hát nhạc Trịnh trong một buổi chiều còn chưa tắt nắng, sông Hương lấp lánh mặt trời chói chang:
“Trên con thuyền lá, sóng nước mênh mang, Tấn Sơn hát những bài ca gan ruột giãi bày của Trịnh, chưa bao giờ Tấn Sơn hát hay đến thế, đó là cảm nhận của mình và của Diệu (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) ngồi bên, cả hai chị em run lên theo từng trầm bổng của lời ca rơi trên sông, lênh đênh nỗi đam mê của một Tấn Sơn hoá thân trong tiếng hát.
Tiếng hát của Tấn Sơn và không gian thơ mộng huyền diệu trên “sông là thuyền, mây bay là buồm”, khiến Diệu và tôi cứ chực rơi nước mắt mừng rỡ, tưởng nắm được đôi tay gầy người xưa…”.
Đôi lời tâm sự cùng ca sỹ Tấn Sơn
Nhạc Trịnh có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp ca hát của ca sĩ Tấn Sơn?
– Suốt gần một thế kỷ của nền tân nhạc Việt Nam, chúng ta may mắn có được rất nhiều nhạc sĩ giỏi, thưởng thức rất nhiều tác phẩm hay. Tấn Sơn cũng đã trình bày nhiều dòng nhạc nhưng có lẽ có nhân duyên lâu bền với dòng nhạc Trịnh. Đó là dòng nhạc không chỉ hay, đặc biệt, sâu sắc, bay bổng mà còn làm cho con người sống nhân văn, mang mọi người đến gần nhau hơn và yêu nhau hơn.
Với đêm nhạc lần này, anh sẽ mang âm nhạc của Trịnh Công Sơn một cách thuần túy hay sẽ làm mới? Anh nghĩ sao về những sáng tạo của giới trẻ về cách hát, cách thể hiện đối với nhạc Trịnh?
– Trong đêm diễn nhạc Trịnh lần tại Đại Học Đà Lạt, Tấn Sơn sẽ mang đến cho thầy cô và các bạn trẻ phong cách du ca, phóng khoáng, bay bổng trong nhạc Trịnh, những bài hát gợi nhớ thời thanh xuân của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt, B’lao và đặc biệt những bài hát yêu thiên nhiên, bảo về rừng: “rừng ơi xin giữ cho bền nhé, những cành hoa phai quá không đành” ( Vẫn Có Em Bên Đời ).
– Tấn Sơn rất mê nhạc trẻ, rất thích các ca sĩ trẻ, chính vì thế Tấn Sơn cũng ủng hộ sự tìm tòi, khám phá, thể hiện nhạc Trịnh theo cách kể chuyện mới của thế hệ mới. Phải xuất phát từ sự yêu mến, sự đam mê mà các bạn trẻ mới tìm đến những tác phẩm bất hủ, kinh điển để trình bày. Có những bạn làm mới nhạc Trịnh thành công gây tiếng vang nhưng cũng có những bạn chưa thành công. Cứ phải kiên trì và tìm tòi thôi. Cốt lõi là phải giữ được cái hồn nhạc Trịnh và phải hay. Tôi rất thích Phan Mạnh Quỳnh hát TÌNH NHỚ của Trịnh Công Sơn, vừa bay bổng, da diết nhưng rất cuốn.
Trường Đại học Đà Lạt sẽ tổ chức Đêm du ca nhạc Trịnh vào tối ngày 24-8. Ngoài Tấn Sơn là giọng ca chính, chương trình còn có các nghệ sỹ trẻ Samuel An, Hiền Lê, Bine, Kiimdon, Cà Pháo, Quỳnh Phạm.