Nhắc đến hoa sen, người ta không thể không nhớ đến hồn dân tộc Việt Nam. Từ năm 1049, vua Lý Anh Tông đã cho xây dựng Chùa Một Cột với lối kiến trúc Liên Hoa Đài thuần Việt, gắn liền với quan điểm nghệ thuật Quý hồ tinh, bất quý hồ đa. Hoa sen đã trở thành biểu tượng văn hóa mang tinh thần và cốt cách của người Việt.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, hoa sen còn gắn liền với hình ảnh của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Câu Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ đã khắc sâu trong lòng người dân Việt, trở thành biểu tượng cho sự kết nối giữa hoa sen và Bác Hồ.
Năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2024), 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người (1969 – 2024), 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2024) và kỷ niệm những ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước, UBND TP Hà Nội lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội.
Sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của hoa sen trong đời sống người Việt, đồng thời phát huy giá trị kinh tế của cây sen trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Với lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và tình yêu dành cho vẻ đẹp của hoa sen bất diệt, những nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân và nhà nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế, Văn hoá và Nghệ thuật đã lên kế hoạch tạo nên bức tranh kính chân dung Bác Hồ ghép từ hoa sen có kích thước chiều rộng 1,7m x chiều dài 2,5m.
Chất liệu là kính cường lực dày 2cm, được ghép từ 1944 tấm ảnh hoa sen chụp từ các vùng miền. Trên bức tranh có tích hợp mã QR Code chứa tư liệu giới thiệu về ý nghĩa của bức tranh gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhóm tác giả thực hiện bức tranh trên là các thành viên của Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật gồm nhà báo Vương Xuân Nguyên, NNƯT Phạm Hồng Vinh; các NSNA: Hoàng Vân, Trường Giang, Trần Minh Phượng, Đào Minh Xuyên, Trần Mạnh Thường, Nguyễn Gia Khánh; các nhiếp ảnh gia: Nguyễn Tiến, Vũ Thế Chiến, Phạm Văn Đồng.
Nhà báo Vương Xuân Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật cho biết, bức chân dung Bác Hồ được ghép từ gần 2.000 tác phẩm ảnh về sen được các nghệ nhân, nghệ sĩ của Viện Kinh tế, Văn hoá và Nghệ thuật thực hiện trong 6 tháng với các công đoạn phác thảo ý tưởng, thu thập tư liệu ảnh hoa sen, sắp xếp ảnh, số hóa dữ liệu ảnh, chuyển sang chất liệu kính, hoàn thiện tác phẩm…
Trong tác phẩm trên, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã có sự chọn lọc từ hàng trăm ngàn bức ảnh nghệ thuật về hoa sen do các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia của Viện trực tiếp chụp tại các hồ sen khắp các vùng miền của cả nước.
Đáng chú ý, có những tác phẩm ảnh được chọn từ kho tư liệu ảnh quý hiếm về hoa sen do NSNA Hoàng Vân thực hiện trong suốt 30 năm qua và kho ảnh các giống hoa sen của Việt Nam do PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau, quả Trung ương trực tiếp sưu tầm, lưu trữ suốt 25 năm.
Tác phẩm trên được BTC Lễ hội Sen Hà Nội trưng bày từ ngày 12 – 16.7 tại Không gian Văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ (Hà Nội). Sau đó, tác phẩm được trao tặng cho Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để phục vụ nhân dân và du khách quốc tế đến tham quan, học tập.
Bức tranh kính chân dung Bác Hồ ghép từ hoa sen đầy ấn tượng nêu trên đã được nhà thư pháp Lê Thiên Lý đặt tên là Thăng Long Kỳ Ảnh Vạn Sen, gắn với câu đối Mười vạn đóa sen nên ảnh Bác/Dân Nam trăm triệu nhớ ơn Người.
Một ca khúc về hoa sen được sáng tác trong dịp này với tựa đề Tình Sen (nhạc: NSƯT Hương Giang, thơ: Vương Xuân Nguyên), được hợp vào tác phẩm để tôn vinh vẻ đẹp vĩnh cửu của hoa sen và ngợi ca sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, cũng như nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.
Q.T